Đến Tuyên Quang du khách không chỉ nổi tiếng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà nơi đây còn là vùng đất địa linh: quê hương cách mạng, nằm trọn trong quần thể đền thờ Mẫu linh thiêng, non nước nơi đây được bảo vệ, che chở mang lại phúc lộc cho muôn đời.
Quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến
Tỉnh Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng. Theo truyền thuyết và các thư tịch cổ, thời Hùng Vương, vùng đất Tuyên Quang thuộc bộ Vũ Định của nước Văn Lang – vùng đất cổ “luôn luôn là phên dậu của Trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu” của Tổ quốc.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh tự hào được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, từ đây lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc. Tại Tân Trào lịch sử, diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng, phát lệnh tổng khởi nghĩa và lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền; Quốc dân Đại hội Tân Trào – tiền thân của Quốc hội Việt Nam, nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh – Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca.
Những sự kiện trên đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là quê hương cách mạng, ghi dấu những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước.
Linh thiêng vùng đất Mẫu
Tín ngưỡng thờ mẫu ở Tuyên Quang có từ rất sớm được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, nơi đây còn được cho là nơi phát tích của mẫu đệ tam (Mẫu Thoải), vị thần cai quản vùng sông nước. Một minh chứng cho thấy các ngôi đền thờ mẫu ở thành phố Tuyên Quang đều được xây dựng có niên đại cách nay đã vài trăm năm trước (đền Hạ 1738, đền Mẫu Ỷ La 1743, đền Thượng 1801…) cũng chính bởi hệ thống các đền thờ mẫu khá dầy mà Tuyên Quang còn được coi như vùng đất mẫu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về một số đền thờ mẫu, được cho là nổi tiếng linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang.
Đền Hạ (Đền Tam cờ)
Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 3, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa.
Đền Hạ có kiến trúc theo lối Nội công Ngoại quốc, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Trước sân chầu là hệ thống cổng phụ có bốn trụ biểu. Trên mỗi đỉnh trụ gắn một con phượng đắp nổi. Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của Đền Hạ là ở phần chạm khắc gỗ. Tất cả cột, kèo, thượng lương, cửa võng, cửa xếp đều được chạm trổ tinh xảo. Đề tài chính là tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai). Trên thân cột chạm hình Long Giáng thuỷ cung. Đặc biệt những hình cây, hoa đục rỗng trên cửa võng mềm mại như tranh vẽ. Giá trị nghệ thuật của các tượng thờ cũng rất đáng chú ý. Gương mặt các pho tượng thờ đều toát lên vẻ thanh tao. Các tư thế của tay, các nếp khăn áo, các hình trang trí trên đồ thờ như: chuông, khánh, đỉnh đồng… đều được bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện rất sinh động như một tác phẩm điêu khắc có giá trị. Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Đền Thượng (đền Mẫu Dùm)
Đền Thượng thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, đền thờ Mẫu Thần, được dựng vào năm 1801. Truyền thuyết kể rằng: Đời trước hai công chúa Ngọc Lân, tức Mai Hoa và Phương Dung, tức Quỳnh Hoa theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La, tức là đền Hạ ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc tức là đền Thượng ngày nay.
Các tư liệu và chính sử có sự chưa thống nhất về thần tích của Thần Mẫu được thờ tại đền Thượng. Tuy nhiên bằng vào hệ thống tượng thờ và hành trình lễ rước cho thấy khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, dân gian đã đưa Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng Ngọc Hoàng, Long Vương, Quan Hoàng vào phối thờ. Chính vì vậy, hai công chúa thờ tại đền Thượng đền Hạ, đền Ỷ La được Mẫu hóa trở thành những vị Mẫu thần. Những ngày lễ của đền đều thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hoà, phía sau là những dãy núi trùng điệp tạo sự linh thiêng huyền bí. Đến đền Thượng, du khách tâm linh vừa đi lễ vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của sông nước, núi rừng nơi đây.
Đền Cấm
Thuộc địa phận xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, nằm trên nền đất cao, không gian thoáng đãng bên bờ sông Lô, phía sau tựa lưng vào núi Cấm. Núi Cấm là một đỉnh trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có “cổng trời” là một thắng cảnh được nhiều du khách biết đến. Từ lưng núi, một con suối nước trong ngời ngợi, len lỏi qua những triền đá dốc, đêm ngày không ngơi đổ xuống sau đền làm cho cảnh sắc càng thêm vẻ kỳ thú. Từ một ngôi miếu nhỏ, qua nhiều đợt trùng tu, nâng cấp nay đền Cấm có kiến trúc khang trang theo lối nội công ngoại quốc với đền thờ chính đặt ở vị trí trung tâm, hai bên phải trái là cung chầu bà và cung sơn trang.
Hằng năm, đền có các ngày lễ: ngày mùng 10 tháng Giêng là lễ Thượng Nguyên, giải hạn; ngày mùng 2 tháng 5, ngày Bà Chúa bản đền mở tiệc; ngày mùng 10 tháng 4 lễ vào hè, cầu mát; ngày 16 tháng 2 và tháng 7 lễ hoàn cung, có rước tượng Mẫu.
Đền Mẫu Ỷ La
Đền Mẫu Ỷ La thuộc phường Ỷ La thành phố Tuyên Quang. Đền được khởi dựng năm 1743, niên hiện Cảnh Hưng năm thứ 4 và được trùng tu lại vào đầu thế kỷ XIX.
Theo truyền thuyết thì đền Hạ thờ công chúa Phương Dung. Do gặp nạn binh đao đền bị đốt phá nghiêm trọng. Dân cư phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817, Khải Định thứ 3, khởi công dựng lại đền trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn. Khi đó tại địa điểm tượng thần đền Hạ lánh nạn dân làng xây dựng đền Ỷ La cũng thờ công chúa Phương Dung. Đồng thời đền cũng thờ Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải….
Nằm trong vùng đất địa linh với quần thể đền thờ Mẫu linh thiêng, non nước nơi đây được bảo vệ, che chở mang lại phúc lộc cho muôn đời.